Ngày 27/9 vừa qua, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế
(US Commission on International Religious Freedom, USCIRF) công bố tài liệu
nghiên cứu về “các tổ chức tôn giáo mà nhà nước Việt Nam dùng làm trợ cụ để khống
chế và đàn áp quyền tự do tôn giáo hay niềm tin”. Một phần trong bản báo cáo đã
nêu ra các thông tin về tình hình Phật giáo tại Việt Nam như: “Nhà nước kiểm
soát Giáo hội phật giáo Việt Namthông qua các lãnh đạo tôn giáo do nhà nước bổ
nhiệm; đối đãi khác biệt với các thành viên của Giáo hội phật giáo Việt Nam; nhắm
mục tiêu vào các tổ chức và các nhà lãnh đạo phật giáo độc lập; can thiệp vào
việc thực hành và hoạt động tôn giáo; tịch thu tài sản của các cơ sở, tổ chức
phật giáo ngoài Giáo hội phật giáo Việt Nam … Những luận điệu trên là hoàn toàn
sai lệch, mang tính chất xuyên tạc, không đúng với thực tiễn tình hình Phật
giáo tại Việt Nam hiện nay.
Do lịch sử và văn hóa nên Phật giáo Việt Nam là một bộ phận
chiếm phần quan trọng và phổ biến trong hệ thống tôn giáo Việt Nam, luôn gắn liền
với những thăng trầm cùng dân tộc trải qua nhiều thời đại và trong mọi
hoàn cảnh. Cách đây hơn 40 năm, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với
Tăng, Ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam đã diễn ra. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn
2000 năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật
giáo trong cả nước Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, từ mọi miền
đất nước đã chung sức, đồng lòng, với một quyết tâm sắt đá, thống nhất thành lập
ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam - GHPGVN. Tại lời nói đầu của Hiến
chương, GHPGVN đã khẳng định: Sự thống nhất PGVN đặt trên nguyên tắc: “Thống nhất
ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống
hệ phái và phương tiện tu hành đúng chính pháp vẫn được duy trì”, và xác định
phương châm hoạt động của GHPGVN là: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”,
“GHPGVN là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam
trong và ngoài nước”. Hiến chương GHPGVN đã khẳng định: “Mục đích của GHPGVN là
điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái PGVN cả nước để hộ trì hoằng dương Phật
pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng
hoà bình, an lạc cho thế giới”. Nếu như trước đây, GHPGVN đồng hành cùng đất nước
bảo vệ Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống
giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc thì đến nay, trong thời
kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, GHPGVN lại tiếp tục GHPGVN đồng hành cùng đất
nước thông qua các hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu dịch thuật,
hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo,
xóa đói giảm nghèo chung tay bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bện và tham
gia vào con đường quan hệ quốc tế và đối ngoại nhân dân. Những hoạt động đó của
GHPGNV đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đồng hành cùng nhân dân cả nước
xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, GHPGVN đã thành lập được 63 Ban Trị sự
trên 63 tỉnh thành phố và 13 ban ngành hoạt động chuyên môn. Tính đến năm 2023,
cả nước có trên 19.000 cơ sở, gồm 15.871 Tự viện Bắc Tông; 473 chùa Nam Tông
Khmer; 112 chùa Nam tông Kinh; 546 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường,
54 Tự viện Phật giáo Người Hoa; 315 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung Tăng Ni
hiện có 40.675 Bắc tông; 7.264 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.245 chư
Tăng, 716 Tu nữ); 5.318 Khất sĩ. Tổng cộng 55.011 Tăng Ni. Tín đồ Phật tử khoảng
60% trên 93 triệu dân số.
Với tư cách là thành viên trong khối Đại đoàn kết toàn dân,
GHPGVN, Tăng, Ni, phật tử Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt
động xã hội, thực hiện đúng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Các Ban Trị sự tỉnh/thành hội Phật giáo trong toàn quốc thường xuyên động viên
tăng, ni, phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi
dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trên
địa bàn khu dân cư, tham gia các đoàn thể, các hoạt động xã hội, vì lợi ích của
đất nước và dân tộc như tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt
trận Tổ quốc các cấp từ trung ương đến địa phương. Nhiều vị chức sắc tu hành được
người dân tin tưởng bầu là Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; vai
trò đặc biệt của sư sãi trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn
hóa, kinh tế xã hội ở các địa bàn dân cư. Các vị tăng, ni tiếp tục đẩy mạnh việc
truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật
giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc. Những thông tin trên đã
minh chứng được rằng, GHPGVN là một tổ chức tôn giáo đóng góp phần quan trọng
vào công cuộc phát triển và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
cũng như minh chứng được rằng lãnh đạo của GHPGVN không những lãnh đạo, tổ chức
hoạt động của hội theo đúng tinh thần “hộ quốc
an dân, đồng hành cùng dân tộc” mà còn tham gia vào các tổ chức chính trị của
Chính quyền, tham gia vào việc ban hành chính sách, pháp luật về tôn giáo để phụng
sự chư tăng, phật tử. Do đó, cáo buộc của USCIRF rằng “Nhà nước kiểm soát Giáo
hội phật giáo Việt Namthông qua các lãnh đạo tôn giáo do nhà nước bổ nhiệm; đối
đãi khác biệt với các thành viên của Giáo hội phật giáo Việt Nam” là hoàn toàn
vô căn cứ.
Mặt khác, trong báo cáo của mình, USCIRF đánh giá cho rằng
Nhà nước Việt Nam “nhắm mục tiêu vào các tổ chức và các nhà lãnh đạo phật giáo
độc lập; can thiệp vào việc thực hành và hoạt động tôn giáo; tịch thu tài sản của
các cơ sở, tổ chức phật giáo ngoài Giáo hội phật giáo Việt Nam”. Thực tế, những
thông tin này được USCIRF đưa ra đều được cung cấp bởi các tổ chức người Việt
lưu vong ở bên ngoài hoặc các thành phần có nhiều bất mãn, chống đối với chính
quyền. Tiêu biểu như vụ "Thiền am bên bờ vũ trụ”. Cụ thể, theo kết luận điều
tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, vào năm 2014, bà Cao Thị
Cúc mua nhà và chuyển hộ khẩu đến số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện
Đức Hòa, tỉnh Long An, rồi xây dựng, sửa chữa nhà cũ này và tự xưng là "làm
điểm tu" và có hành vi tu trái phép. Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân bán căn
nhà của ông này nằm trên đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, TPHCM, rồi ông Vân cùng
với Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Tùng Dương và một số người khác đến cùng sinh sống
với hộ bà Cúc tại Long An. Trong thời gian sinh sống, ông Vân tự đặt tên căn
nhà của bà Cúc là "Tịnh thất Bồng Lai" và sau đổi tên thành "Thiền
am bên bờ vũ trụ”. Với rất nhiều video, clip mà theo chỉ đạo của ông Vân, nhóm
đối tượng đã đăng nhiều video, clip trên mạng Internet cũng như tham dự một số
chương trình của đài truyền hình, khiến không ít người trong và ngoài nước bị
trục lợi từ thiện và có nhiều hành vi "Lừa đảo - xúc phạm Phật giáo và trục
lợi phi pháp". Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, nguyên nhân
và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai - Thiền
am bên bờ vũ trụ”, đều do bị can Lê Tùng Vân chỉ đạo điều hành. Lê Tùng Vân và
các bị can khác đã lợi dụng hình ảnh của Phật giáo lôi kéo nhiều đối tượng cuồng
tín đến ở và sinh hoạt tôn giáo trái phép, nhưng thực chất các hoạt động này là
mạo danh, xuyên tạc và xúc phạm Phật giáo. Hoạt động của các bị can tại đây đã
tạo nên nhiều bức xúc trong giới Tăng ni, Phật tử, tín đồ Phật giáo và gây mâu
thuẫn giữa các gia đình của các đối tượng cuồng tín với số đối tượng tại hộ bà
Cao Thị Cúc, tạo hình ảnh phức tạp gây mất an ninh trật tự tại địa phương buộc
các cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết, xử lý đúng người, đúng tội,
đúng với quy định của Pháp luật.
Một vụ việc khác là việc chùa Thiền Tôn Phật Quang (sau đổi
thành chùa Phật Quang) do ông Thích Chân Quang (tên thật là Vương Tấn
Việt) là trụ trì, đã bị cơ quan chức năng chỉ ra hàng loạt vi phạm về xây dựng
và đất đai. Theo kết luận thanh tra do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành,
toàn bộ diện tích đang sử dụng và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận của chùa
Phật Quang đều là đất do nhà nước quản lý liên tục từ năm 1978. Trong khuôn
viên chùa, có đến 36 công trình xây dựng, nhưng có đến 35 công trình không được
cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Trong quá trình thực hiện, các cơ
quan chức năng đã lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt và
các quyết định yêu cầu khắc phục, tháo dỡ... nhưng chùa không thực hiện. Việc
xây dựng hàng loạt công trình không phép trên diện tích hơn 25.000m2 cho thấy
có một phần diện tích rừng phòng hộ đã bị phá dỡ, sử dụng sai mục đích. Có thể
thấy, các vụ việc nêu trên đều là những vụ vi phạm pháp luật Việt Nam, các đối
tượng vi phạm đều có liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo. Do đó, những
công tác trên của cơ quan chức năng bị các đối tượng xuyên tạc là xử lý các “tổ
chức tôn giáo độc lập”, “hạn chế, kiểm soát việc thực hành tín ngưỡng Phật
giáo”… Tất cả những luận điệu trên của chúng đều hướng tới mục đích là làm chia
rẽ khối đại đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo tại
Việt Nam.
Có thể khẳng định, đằng sau những luận điệu xuyên tạc báo
cáo “các tổ chức tôn giáo mà nhà nước Việt Nam dùng làm trợ cụ để khống chế và
đàn áp quyền tự do tôn giáo hay niềm tin”, trong đó có mục liên quan đến tình
hình Phật giáo tại Việt Nam của USCIRF là không đúng với thực tiễn. Mặc dù các
vụ việc do USCIRF nêu lên đã được cơ quan chức năng Việt Nam điều tra, truy tố,
xét xử theo đúng quy định của pháp luật những vẫn bị cố tình hiểu sai hoặc chỉ
chấp nhận những thông tin, tài liệu do các đối tượng, tổ chức lưu vong như “Việt
Tân”, “Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS” (các tổ chức đã được Việt Nam chứng
minh là hoạt động khủng bố hoặc tài trợ khủng bố chống Việt Nam) cung cấp và
xuyên tạc. Mục đích của báo cáo này phải chăng là để làm nhiễu loạn tình hình,
gây phân tâm dư luận, kích động sự mâu thuẫn trong xã hội hòng tạo ra sự mất ổn
định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời cố tình bẻ lái, dựng
chuyện nhằm bôi nhọ hình ảnh, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
và tìm kiếm những tác động từ bên ngoài hòng can thiệp vào công việc nội bộ của
Việt Nam. Những hoạt động này phải được loại bỏ và phản bác, lên án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét