Ngày 27/9 vừa qua, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế
(US Commission on International Religious Freedom, USCIRF) công bố tài liệu
nghiên cứu về “các tổ chức tôn giáo mà nhà nước Việt Nam dùng làm trợ cụ để khống
chế và đàn áp quyền tự do tôn giáo hay niềm tin”. Trong đó, bản nghiên cứu đã
đưa ra những thông tin sai sự thật về các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, trong
đó có Hội thánh Tin Lành Việt (miền Nam - miền Bắc), cụ thể:
Bản nghiên cứu cho rằng “Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, chính
quyền đã hạn chế các hoạt động truyền giáo Tin Lành từ nước ngoài”, “CSVN từ
lâu đã mô tả sự lan rộng của đạo Tin Lành như một chiến lược của chính phủ Hoa
Kỳ nhằm lật đổ chế độ cộng sản”… Những thông tin này là nhận định chưa chính
xác về lịch sử phát triển đạo Tin Lành và chính sách của Việt Nam đối với Tin
Lành. Thứ nhất, từ những năm đầu của thế kỷ 20, một Hội truyền giáo Tin lành xuất
xứ từ Mỹ đến truyền giáo tại Việt Nam là một điều không có gì đặc biệt. Khi đó,
Ðông Dương là thuộc địa của Pháp, là xứ sở truyền giáo đầy khó khăn. Khó khăn
là vì chính quyền Pháp ngăn trở, xã hội văn hóa cổ truyền Á châu xa lạ với Kitô
giáo, nhất là với Tin Lành. Các giáo sĩ đã kiên trì, dùng các phương pháp truyền
giáo hiện đại, mới lạ, cùng nguồn tài lực to lớn để hoạt động. Việc truyền giáo
nhiều lần bị ngưng trệ, gián đoạn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, chiến tranh
... Ðến cuối thời Pháp thuộc, các giáo sĩ Tin lành mới gây dựng được một cộng đồng
tín đồ khoảng 13.000 người. Thời kỳ 1955 - 1975, một chiến lược truyền giáo quy
mô với sự hậu thuẫn của Tin lành thế giới, giới chức dân sự, quân sự Mỹ và
chính quyền Sài Gòn được triển khai. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ tối đa nhưng kết
quả truyền giáo của Hội Truyền giáo C.M.A (The Christian and Missionnary
Alliance), Hội thánh Tin lành Việt Nam (HTTLVN) rất hạn chế. Hằng năm chỉ tăng
lên từ 1.000 đến 1.500 tín đồ, chưa trừ đi số tăng tự nhiên. Tại vùng dân tộc
thiểu số ở Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền trung, tình hình cũng tương tự.
Với khoảng hơn 160.000 tín đồ vào thời điểm 1975, Tin lành vẫn là cộng đồng tôn
giáo thiểu số. Nhìn chung, do lịch sử truyền giáo, cho nên thành phần Tin lành
tại Việt Nam tương đối đồng nhất, tập trung chủ yếu vào HTTLVN. Sau năm 1975, bối
cảnh chính trị, xã hội mới và có sự biến động lớn trong thành phần chức sắc,
tín đồ, nên có một thời gian Tin lành hầu như không phát triển.
Nhưng bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, sự phục hồi và gia tăng hoạt
động truyền giáo của Tin lành đã kéo theo sự gia tăng đột biến số lượng tín đồ ở
vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân của hiện tượng này là cuộc khủng hoảng,
suy thoái của hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu
số ở miền cao và vai trò to lớn của Hội thánh tin lành Việt Nam (miền Nam và miền
Bắc). Bởi lẽ, từ năm 1976 đến trước năm 2001, Hội thánh tin lành Việt Nam chưa
được Nhà nước chính thức công nhận tư cách pháp nhân một tổ chức giáo hội, cho
nên việc điều hành, duy trì, bảo tồn các cơ sở vật chất gặp khó khăn, từng xảy
ra các vụ chiếm cứ, sang nhượng từ các tín đồ chức sắc trong nội bộ. Sau hơn 30
năm, các cơ sở vật chất đó hầu như không còn giá trị sử dụng (trừ một vài cơ sở
lớn), và đòi hỏi của giáo hội Tin lành thực chất là vấn đề "quyền sử dụng
đất" liên quan tới các cơ sở đó. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề phức tạp khác
(như: sở hữu, đền bù, di dời) khiến các cấp chính quyền gặp nhiều khó khăn,
không thể giải quyết nhanh chóng. Hiện nay, sau khi giáo hội đã có tư cách pháp
nhân, nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự, đất đai... đã và đang được Nhà nước
quan tâm xem xét, giải quyết. Điển hình như thành phố Hồ Chí Minh đã giao
7.500 m2 cho Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền
Nam), xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk đã giao hơn 11.000 m2 đất
cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 ha đất cho giáo xứ
La Vang...
Bên cạnh đó, đối với đạo Tin Lành, từ năm 2021-2023 ở các tỉnh
phía Bắc đã chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 5 tỉnh
Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được
đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó. Đến nay, ở Việt Nam có hơn 1,2
triệu người theo đạo Tin Lành, trong đó có khoảng 873.700 tín đồ là người dân tộc
thiểu số.
Bản nghiên cứu của USCIRF còn cho
rằng, Nhà nước “bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo và sử dụng HTTLVN để thực hiện
các chính sách như buộc người H'Mông, người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành từ bỏ
đức tin của họ, nhắm mục tiêu vào các nhà truyền giáo và hạn chế người dân tộc
thiểu số (H’mông) tiếp cận Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ”; “Chính quyền từ chối
cấp giấy nhận dạng có hiệu lực toàn quốc cho họ, khiến họ thực tế không có quốc
tịch; không có thẻ căn cước quốc gia và sổ hộ khẩu, họ không thể làm việc hợp pháp,
đi học hoặc nhận các dịch vụ xã hội tại Việt Nam”. Điều này là hoàn toàn bịa đặt
bởi lẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm về tín
ngưỡng - tôn giáo, ban hành các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự ổn
định và phát triển của đạo Tin Lành tại Việt Nam. Theo đó Nhà nước đã ban hành Pháp
lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo năm 2004, Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành, Nghị định 92/2012/NÐ-CP quy định
chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo,... để thực
thi, giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới tư cách pháp lý và mọi mặt hoạt động
tôn giáo nói chung, các tổ chức giáo hội, giáo phái Tin lành nói riêng. Ðến
nay, đã có 10 tổ chức giáo hội, giáo phái (hệ phái) Tin lành được Nhà nước cấp
công nhận là tổ chức tôn giáo. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhu cầu
sinh hoạt tôn giáo hợp pháp của chức sắc, tín đồ Tin lành đã và đang được tạo
điều kiện thực hiện bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Các hệ phái, nhóm
Tin lành nhỏ tuy chưa được công nhận tư cách pháp nhân cũng được tạo điều kiện
đăng ký sinh hoạt, thực hành tôn giáo phù hợp với nhu cầu của giáo dân. Nhìn nhận
một cách khách quan, từ khi các chủ trương, chính sách mới được triển khai, cộng
đồng Tin lành ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận như:
tính tuân thủ pháp luật, năng động và tích cực trong vai trò là một nhân tố góp
phần phát triển lối sống, văn hóa, đạo đức tiến bộ trong đời sống xã hội và
phát triển kinh tế, phát triển cộng đồng. Nhiều nơi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu
số, đời sống của đồng bào theo Tin lành đã có một số thay đổi tích cực, theo hướng
văn minh, tiến bộ..., hoàn toàn không có chuyện người đồng bào bị yêu cầu “từ bỏ
đức tin” hay “không được tiếp cận kinh thánh theo ngôn ngữ của họ”. Bên cạnh
đó, Bộ Công an đã triển khai cấp thẻ căn cước cho người dân trên toàn quốc, tất
cả người Việt thậm chí người chưa xác định được quốc tịch, người có giấy tờ tùy
thân vẫn có thể được cấp căn cước công dân theo quy định. Tại Việt Nam không có
chuyện người Việt “vô quốc tịch” hoặc “không được cấp thẻ căn cước”, “không được
cấp hộ khẩu” chỉ vì theo đạo tin Lành như USCIRF nhận định, xuyên tạc.
Cùng với các kết quả
kể trên, vẫn còn có một số vấn đề phức tạp, tiêu cực liên quan đến hoạt động của
các tổ chức giáo hội, giáo phái Tin lành, như nhận tài trợ từ bên ngoài để hoạt
động truyền giáo không theo quy định của pháp luật, đả phá bài xích Phật giáo
Tiểu thừa, Hồi giáo làm tăng nguy cơ mâu thuẫn dân tộc - tôn giáo và khối đại
đoàn kết dân tộc. Một vài cá nhân, nhóm Tin lành đã có hoạt động liên quan đến
tổ chức chính trị cốt để gây tiếng vang và thu hút tài trợ từ bên ngoài. Ðây là
điều đáng tiếc và các cơ quan chính quyền cần phải có sự can thiệp, hòa giải.
Tuy nhiên, nếu coi đó là biểu hiện của việc Tin lành là nạn nhân của việc chính
quyền cố ý dùng chính sách phân biệt đối xử và kỳ thị, bỏ mặc hoặc đàn áp đạo
Tin lành thì là sự vu cáo, kích động. Do đó, để làm rõ hơn nội tình đa dạng phức
tạp của nhiều nhóm, hệ phái Tin lành, USCIRF cần tìm hiểu, đánh giá, phân tích
một cách khách quan, thiện chí về tình hình thực tiễn xảy ra tại đất nước và
con người Việt Nam, không thể chỉ nghe thông tin từ những đối tượng tôn giáo cực
đoan, các tổ chức phản động lưu vong bên ngoài để đưa ra những nhận định sai lệch
về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, trong trường hợp này là đạo Tin Lành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét