Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Phản bác luận điệu luật pháp Việt Nam kiểm soát, hạn chế tự do tôn giáo của USCIRF

 


Vào cuối tháng 9 vừa qua, tổ chức Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế - USCIRF (là tổ chức do Chính phủ Mỹ trao quyền nghiên cứu và báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của từng quốc gia, ngoại trừ tình hình tự do tôn giáo của Mỹ) đã công bố một bản nghiên cứu với tên gọi “Nhà nước kiểm soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam” dài 33 trang trong đó nhận định Nhà nước Việt Nam sử dụng luật pháp ( gồm Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018) để kiểm soát tự do tôn giáo ở trong nước. Lập luận do USCIRF là hoàn toàn lố bịch và vô minh vì các lí do sau đây:

- Thứ nhất, ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, pháp luật tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tồn tại của Nhà nước, bởi lẽ bất cứ một chính quyền nào được tạo nên đều phải đảm bảo tính hợp pháp, trong khi đó pháp luật chính là công cụ để đảm bảo sự hợp pháp đó. Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, có vai trò giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội. Bởi có thể thấy, trong xã hội việc phát sinh các mâu thuẫn là điều không tránh khỏi, khi các mâu thuẫn phát sinh, cần phải có căn cứ để các bên dựa vào đó để giải quyết các mâu thuẫn của mình. Và khi đó, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất.

Trên thế giới, về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đã được ghi nhận trong Luật Nhân quyền quốc tế là ngành luật được Liên Hợp quốc xây dựng từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngay trong văn kiện nền tảng nhất của ngành luật này là Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR, 1948) đã ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Điều 18 cùng với quyền tự do tư tưởng và lương tâm. Điều 18 UDHR nêu: "Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, bao gồm tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình và tự do dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư, bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ". Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền con người cơ bản, có ý nghĩa quan trọng với cuộc sống tinh thần của nhiều cá nhân và mọi xã hội, tuy nhiên không phải là quyền tuyệt đối theo luật nhân quyền quốc tế.

Theo đó, trong đoạn 2 Bình luận chung số 22, Uỷ ban Nhân quyền cũng đã giải thích chi tiết, cần phân biệt giữa tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng với tự do thể hiện (hay bày tỏ, thực hành) tôn giáo hay tín ngưỡng. Tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tôn giáo là quyền tuyệt đối, thể hiện ở việc không ai có thể bị ép buộc phải tiết lộ những suy nghĩ của mình hoặc bị bắt buộc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó (những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, tương tự như với quyền được giữ ý kiến mà không bị can thiệp ở Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị - ICCPR). Trong khi đó, tự do thể hiện (hay bày tỏ, thực hành) tôn giáo hay tín ngưỡng lại là một quyền hạn chế bởi pháp luật khi cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. Tính giới hạn của quyền tôn giáo hay tín ngưỡng còn được thể hiện cụ thể qua nội dung của Điều 20 ICCPR trong đó nghiêm cấm việc thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng mà có tính chất tuyên truyền cho chiến tranh hoặc cổ vũ hận thù dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, hay kích động sự phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực. Do đó có thể thấy, tôn giáo hay tín ngưỡng là những quyền căn bản của con người, tuy nhiên quyền tự do tín ngưỡng phải được thực hiện phù hợp với luật pháp, không thể lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động những hành động đi ngược lại với hòa bình, đoàn kết trong dân tộc được.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng trong suốt lịch sử phát triển không có xung đột tôn giáo, tín ngưỡng, người theo tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo và người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, người theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau sống đan xen, hài hòa khắp lãnh thổ của Việt Nam. Theo khảo sát đa dạng tôn giáo toàn cầu của Viện Diễn đàn Pew (Hoa Kỳ) công bố 10 năm trước, Việt Nam đã nằm trong số 12 quốc gia trên thế giới được công nhận là có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao. Có được sự hòa thuận và đa dạng đó là do Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Theo đó, tại Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân, đồng thời thực tiễn đã chứng minh, từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đi vào đời sống, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự và công dân theo tôn giáo tăng theo thời gian, ở tất cả các tôn giáo.  Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 06 tôn giáo với 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc, thì năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 26,7 triệu tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự…

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã có những quy định bổ sung được nhận định là phù hợp với lợi ích chính đáng hiện nay của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, ví dụ: định nghĩa đất tôn giáo tại Điều 213 Luật Đất đai 2024 được khái quát bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác. Về nhận quyền sử dụng đất, Điều 169 Luật Đất đai quy định người nhận quyền sử dụng đất được quy định gồm nhiều đối tượng, trong đó có: Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất; Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định; Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành. Tương tự, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 cũng có những quy định liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng và đều đảm bảo cho quyền tự do, tín ngưỡng của người dân được đảm bảo; ngăn chặn sự kỳ thị hay xung đột về tôn giáo, tín ngưỡng.

Thực tiễn chứng minh, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam những năm qua diễn biến hết sức sinh động, phong phú và đa dạng. Luật pháp Việt Nam, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đảm bảo cho cho tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những thành tựu đó không chỉ nhân dân, tín đồ các tôn giáo ghi nhận, mà còn được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế - USCIRF cáo buộc Việt Nam sử dụng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của người thiểu số và các nhóm tôn giáo không được chính phủ công nhận là hoàn toàn sai lệch, định kiến. USCIRF còn có hành động tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam khi kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo – CPC vì cho rằng Việt Nam đã “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”. Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong báo cáo “Nhà nước kiểm soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam” của USCIRF. Đề nghị USCIRF trao đổi thêm với cơ quan chức năng của Việt Nam về vấn đề tôn giáo trên tinh thần tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét