Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động

 

Những ngày qua, khi các trang báo như VOA tiếng Việt đưa tin Việt Nam nằm trong số các quốc gia châu Á bị đề cập đến trong một báo cáo mới công bố của Bộ Lao động Mỹ về tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Các trang này đưa tin: “Báo cáo có tên “Danh sách hàng hóa do lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức sản xuất” do Văn phòng Quốc tế vụ (ILAB) của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 28/9 , đề cập đến những quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đánh bắt thuỷ hải sản, trong đó có Việt Nam”; “Việt Nam bị liệt kê có các ngành nghề đang tồn tại tình trạng lao động trẻ em, bao gồm sản xuất gạch, hạt điều, cà phê, đánh bắt cá, giày dép, đồ nội thất, da, hạt tiêu, gạo, cao su, mía, chè, dệt may, gỗ, thuốc lá. Riêng ngành dệt may được xem là ngành tồn tại cả hai tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em”; “Báo cáo cũng bao gồm các nghiên cứu truy tìm xuất xứ hàng hóa được làm ra từ lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp”, thông cáo báo chí của Bộ Lao động Mỹ viết “Chúng bao gồm các sản phẩm dệt bông từ Trung Quốc và Việt Nam được sản xuất từ bông của Trung Quốc”… Những thông tin do VOA đưa tin là thiếu khách quan và thiện chí. Bởi lẽ trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nỗ lực bảo vệ và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam thông qua nhiều điều luật quan trọng về quyền con người, quyền công dân và gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người. Theo Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, từ năm 2019-11/2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với 44 luật thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Về việc rà soát, gia nhập các Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã tham gia đàm phán và chính thức tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội và là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong đó có người lao động.

Thứ hai, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò của tổ chức chính trị, xã hội luôn đồng hành, sát cánh, chăm lo, bảo vệ giai cấp công nhân và người lao động, tập hợp, giáo dục, động viên, khích lệ, cổ vũ người lao động đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nước nhà. Theo thống kê, từ năm 2018-2020, tổ chức công đoàn Việt Nam đã đại diện khởi kiện 2.564 vụ án đòi được số tiền gần 45 tỷ đồng cho người lao động; triển khai rộng khắp chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn” ở nhiều tỉnh, thành phố; ký kết 974 bản thỏa thuận lao động, đem lại nhiều quyền lợi hơn cho 6,9 triệu người lao động với số tiền hơn 1.925 tỷ đồng; hơn 14,475 triệu người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền hơn 13.578 tỷ đồng; chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ xây dựng 9.135 căn nhà cho người lao động với số tiền gần 364 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1 triệu lượt vay vốn từ nguồn quỹ trợ vốn của tổ chức công đoàn dành cho công nhân, lao động nghèo với số tiền gần 13.700 tỷ đồng. Điều đó có thể thấy tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong hỗ trợ và bảo vệ người lao động.

Cuối cùng, về tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đang dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại Mỹ, đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Cụ thể, dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, đạt 6 tỉ USD và tăng 4% so với cùng kỳ tại thị trường Mỹ. Doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng đến hết quý III và đang đàm phán cho quý IV - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết. Tuy nhiên, song song với những thành tựu đó,  Việt Nam khi bước vào sân chơi Mỹ đã phải đối mặt với những thử thách đầy cam go và sự cạnh tranh cạnh tranh khốc liệt... Và việc Việt Nam bị Bộ Lao động Mỹ đưa vào vào danh sách theo dõi về lao động trẻ em, cưỡng bức cũng nằm trong cách thách thức mà Việt Nam phải đối diện khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bởi lẽ Mỹ đang áp dụng Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) - UFLPA nhằm áp đặt những biện pháp cô lập Trung Quốc cũng là nhà sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ dệt may lớn nhất thế giới hiện nay. Đạo luật UFLPA của Mỹ, có hiệu lực từ giữa năm 2022, cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào Mỹ, sau khi Mỹ ghi nhận các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc. Theo đó, một công ty chuyên xác thực và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng hàng hóa ở bang Arizona, Mỹ đã “khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào việc tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và đầu tư mạnh vào hệ thống xác minh xuất xứ hàng hóa để giảm thiểu việc nhập vật tư đầu vào có lao động cưỡng bức hay lao động trẻ em”. Tuy nhiên việc này là rất khó khăn cho Việt Nam vì Trung Quốc hiện đang là thị trường cung cấp vải may mặc lớn nhất cho Việt Nam, cung cấp lên tới khoảng 70% nguồn cung cấp vải giá của các công ty dệt may với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo và gần gũi, thân thuộc về mặt địa lý. Việt Nam muốn thay đổi nhà cung cấp là không dễ dàng.

Bất chấp thành quả mà Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực thực hiện để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như những thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, các đối tượng chống phá, phản động bằng nhiều hình thức và thủ đoạn cố tình xuyên tạc, phủ nhận. Các đối tượng này cũng này lấy danh nghĩa đại diện cho người lao động, bảo vệ lợi ích chân chính cho người lao động để thành lập hội nọ, nhóm kia, lôi kéo người lao động tham gia, kích động họ lãn công, biểu tình, đập phá nhà xưởng, bất hợp tác với doanh nghiệp, gây bất ổn xã hội, chống đối Ðảng, Nhà nước… Không khó để thấy mục đích thực sự của những việc làm trên là nhằm phủ nhận vai trò, sứ mệnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam, gây mất niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị, đối với Ðảng và Nhà nước Việt Nam và hướng đến đích cuối cùng là phủ nhận, thủ tiêu, xóa bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực chủ động và tích cực của tổ chức công đoàn, trong suốt nhiều năm qua quyền lợi của người lao động Việt Nam luôn được bảo đảm. Đây là tiền đề quan trọng tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và là cơ sở để Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta. Thực tiễn sinh động này chính là minh chứng sắc bén góp phần phản bác những luận điệu bóp méo, xuyên tạc vấn đề người lao động ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét