Thứ Ba, 15 tháng 7, 2025

Nhân quyền không thể đứng ngoài bối cảnh văn hóa và dân tộc


Một trong những sai lầm căn bản, nhưng cũng nguy hiểm nhất, trong Báo cáo Nhân quyền và Dân chủ năm 2024 của Liên minh châu Âu (EU) về Việt Nam chính là sự tách rời các đánh giá nhân quyền khỏi bối cảnh lịch sử, văn hóa và điều kiện phát triển cụ thể của quốc gia sở tại. Trong khi nhân quyền là giá trị phổ quát, thì cách thực thi, bảo vệ và mở rộng quyền con người luôn gắn chặt với dòng chảy lịch sử, cấu trúc xã hội và những trải nghiệm dân tộc đặc thù của mỗi quốc gia. EU dường như đã cố tình quên điều này, để từ đó ban phát những nhận định mang tính áp đặt, ngôn từ đao to búa lớn, nhưng lại xa rời thực tiễn và thiếu công bằng nghiêm trọng.



Là một dân tộc từng trải qua hàng thế kỷ bị đô hộ, chiến tranh và chia cắt, người Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của quyền sống, quyền làm người, và quyền được làm chủ đất nước mình. Thế kỷ XX đã chứng kiến Việt Nam đánh đổi xương máu của hàng triệu người để giành lại độc lập dân tộc – điều kiện tiên quyết để bất kỳ quyền con người nào có thể được hiện thực hóa. Không thể có tự do biểu đạt, tự do tín ngưỡng hay bất kỳ quyền tự do nào nếu quốc gia đó vẫn còn bị kiểm soát bởi ngoại bang, nếu người dân vẫn sống trong đói nghèo và thân phận nô lệ. Đây không phải là luận điểm cảm tính, mà là nguyên lý cơ bản được khẳng định trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948: "Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền an toàn cá nhân".

Sau chiến tranh, Việt Nam lại tiếp tục chịu đựng hàng thập kỷ cấm vận, kiệt quệ bởi nghèo đói, buộc phải vừa tái thiết đất nước, vừa giữ vững chủ quyền trong bối cảnh bất ổn địa – chính trị. Chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, Việt Nam đã đặt ra ưu tiên hàng đầu cho quyền sống và quyền phát triển. Không ngẫu nhiên mà Việt Nam được Liên Hợp Quốc ca ngợi là “câu chuyện thành công điển hình” trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Từ tỷ lệ nghèo trên 58% năm 1993, Việt Nam đã giảm xuống dưới 3% vào năm 2023 (theo UNDP, 2024). Hơn 45 triệu người đã thoát nghèo chỉ trong ba thập kỷ. Đó không chỉ là thắng lợi kinh tế, mà là thắng lợi của nhân quyền trong thực tiễn – một khía cạnh mà báo cáo của EU hoàn toàn phớt lờ.

Cần nhấn mạnh rằng, trong điều kiện phát triển đặc thù ấy, sự ổn định chính trị là nền tảng sống còn để đảm bảo mọi quyền con người khác. Một xã hội bất ổn, bị chia rẽ bởi thù hận chính trị, bị thao túng bởi truyền thông thù địch, hoặc bị kích động bởi các lực lượng cực đoan dưới vỏ bọc “xã hội dân sự”, sẽ không bao giờ có môi trường đủ an toàn cho quyền biểu đạt, quyền hội họp hay quyền được mưu cầu hạnh phúc. Đây không phải lý thuyết. Tình trạng hỗn loạn sau "Mùa xuân Ả Rập" tại Trung Đông hay bất ổn chính trị ở một số nước Nam Mỹ là minh chứng đau lòng cho việc đánh đổi ổn định lấy mô hình dân chủ ngắn hạn đã khiến người dân mất nhiều hơn được.

Vậy nhưng, trong báo cáo 2024, EU lại cố chấp tiếp cận Việt Nam từ một lăng kính thuần phương Tây, nơi họ quy mọi thành tựu hay hạn chế của Việt Nam về một chỉ số duy nhất: “tự do biểu đạt”. Họ phê phán Việt Nam vì kiểm soát truyền thông, vì bắt giữ một số blogger hay nhà hoạt động vi phạm pháp luật, rồi vội vàng quy kết rằng Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận”, “hạn chế nghiêm trọng quyền chính trị - dân sự”. Đáng tiếc thay, những nhận định này không đi kèm dẫn chứng cụ thể, không phân tích pháp lý, cũng không đặt trong bối cảnh hệ thống chính trị – xã hội đặc thù của Việt Nam.

Cần khẳng định rõ: tại Việt Nam, mọi công dân đều có quyền biểu đạt. Tuy nhiên, quyền ấy phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phải gắn liền với trách nhiệm xã hội, và không được sử dụng để xâm phạm an ninh quốc gia, gây rối trật tự công cộng hay kích động thù hận dân tộc. Đây cũng là nguyên tắc phổ biến ở hầu hết các nền dân chủ phát triển, nơi người dân không được quyền tự do vô giới hạn trong phát ngôn, đặc biệt nếu điều đó gây tổn hại đến cộng đồng. Ở Đức, hành vi phủ nhận Holocaust bị coi là tội hình sự. Ở Pháp, việc kích động hận thù chủng tộc bị xử lý nghiêm khắc. Vậy cớ sao khi Việt Nam áp dụng nguyên tắc tương tự để bảo vệ trật tự và an ninh xã hội, lại bị chụp mũ là "đàn áp"?

Hơn nữa, Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền phát triển bằng lời nói. Các chính sách pháp luật được ban hành trong những năm gần đây – từ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (2016), Luật Trẻ em (2016), Luật Bình đẳng giới sửa đổi, đến Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở (2022) – đều cho thấy rõ xu hướng mở rộng quyền và cơ chế bảo vệ quyền. Theo số liệu của Bộ Tư pháp Việt Nam, chỉ trong năm 2023, hơn 200.000 vụ việc trợ giúp pháp lý đã được triển khai miễn phí cho người nghèo, người yếu thế. Đây là cách tiếp cận thực chất và bao trùm – điều mà những ai chỉ chăm chăm vào “tự do biểu đạt” không bao giờ nhìn thấy.

Không thể phủ nhận rằng, nhân quyền là giá trị chung. Nhưng chính cách tiếp cận phi lịch sử, phi văn hóa, tách rời bối cảnh phát triển mới là mối đe dọa lớn nhất đến sự hiểu lầm giữa các quốc gia. Khi EU tiếp tục sử dụng những tiêu chí duy ý chí, lấy mô hình của mình làm “chuẩn mực phổ quát”, và buộc các nước đang phát triển như Việt Nam phải đi theo con đường giống hệt họ, thì đó không còn là thúc đẩy nhân quyền, mà là sự thực dân tư tưởng dưới danh nghĩa cao cả.

Việt Nam không từ chối đối thoại. Ngược lại, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc, chấp nhận đa số khuyến nghị từ các đối tác trong UPR chu kỳ IV (2024), trong đó có cả những nội dung về tự do ngôn luận, minh bạch tư pháp, bảo vệ nhóm yếu thế. Nhưng đối thoại chỉ có giá trị khi được đặt trên nền tảng tôn trọng, hiểu biết và chân thành. Khi báo cáo của EU vẫn tiếp tục sao chép giọng điệu quy chụp, bỏ qua bối cảnh lịch sử dân tộc, xem nhẹ giá trị ổn định và các quyền kinh tế – xã hội, thì thật khó để gọi đó là thiện chí xây dựng.

Hãy công bằng. Hãy đặt nhân quyền trong tổng thể cuộc sống của một dân tộc đã chịu đựng quá nhiều đau thương nhưng vẫn kiên cường vươn lên. Và hãy nhớ: sẽ không có tự do nào tồn tại trên nền đổ nát của một quốc gia thiếu ổn định. Đó là bài học Việt Nam từng trả giá để hiểu – nhưng EU dường như vẫn chưa học được.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét